TRAN XUAN AN - PHAN HOI 3 / feedback 3 ( trang phu 3 )

28.3.06

BAI VIET CUA NGUOI CUNG THOI

BÀI VIẾT CỦA NGƯỜI CÙNG THỜI

Dưới đây là bài viết thể hiện ý tưởng:
Dân chủ là yêu cầu bức xúc của xã hội và cũng là tất yếu lịch sử Việt Nam chúng ta.
Do đó, mọi kêu đòi, đấu tranh cho nền dân chủ chính đáng, đích thực đều là chính nghĩa. Là người cầm bút (quan sát viên, chứng nhân của thời mình sống), tôi nhận thấy đây là một chứng từ quan trọng.
Xin mạn phép BBCVietnamese.com để được lưu lại bài viết của LS. Nguyễn Hữu Thọ trên blog này và ở trang web:
http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/trangcnncthoi
/trangcnncthoi_tluan.htm

TXA.

BBCVietnamese.com, 27 – 03 – 2006 (ngày tại Anh quốc):

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story
/2006/03/060327_nguyenhuutho_speech.shtml


27 Tháng 3 2006 - Cập nhật 12h14 GMT

"DÂN CHỦ KHÔNG THỂ CÓ BẰNG SỰ BAN ƠN"


BBC ghi chú dưới ảnh Ls. NHT.:
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nói
phải phân tích nguyên nhân
từ căn bệnh quan liêu, bảo thủ, trì trệ


BBC. giới thiệu: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910 – 1996) là một trong những trí thức miền Nam đi theo Cách mạng và trở thành Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau năm 1975, ông được cử làm Phó Chủ tịch Nước, đến năm 1981 là Chủ tịch Quốc hội, rồi là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tại đại hội năm 1988.
Trong những năm cuối đời, ông Nguyễn Hữu Thọ có nhiều phát biểu phê phán sự dân chủ hình thức trong bộ máy lãnh đạo các cấp ở Việt Nam.
Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM năm 1988, ông Nguyễn Hữu Thọ có bài phát biểu gây tiếng vang, với nội dung “Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn”.
Gần 20 năm trôi qua, đọc lại bài này, những ai quan tâm đến chính trị, xã hội Việt Nam vẫn thấy những vấn đề đặt ra trong bài phát biểu còn tiếp tục được tranh luận trong thời điểm hiện nay.
Dưới đây là trích đoạn bài phát biểu của luật sư Nguyễn Hữu Thọ đọc tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM năm 1988. Bài phát biểu do Võ Linh Hà ghi, và đã in trong cuốn “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng” - NXB Chính Trị Quốc Gia - 1996.


"…Trong nhiều bài phát biểu ở Đại hội này, dưới những góc cạnh khác nhau, đều toát lên tinh thần lo toan, trăn trở trước tình hình đất nước còn quá nhiều khó khăn. Nhưng vì sao đất nước ta lại rơi vào một tình trạng khó khăn như thế? Có phải do người Việt Nam chúng ta thiếu khả năng, lười biếng, thiếu năng động, sáng tạo? Chắc là không ai nghĩ như thế, vì quá khứ của dân tộc ta, vì những thành tựu mà người Việt Nam khi ra nước ngoài đã đạt được, chứng minh là không phải như thế.
Tôi nghĩ rằng phải phân tích nguyên nhân từ căn bệnh quan liêu, bảo thủ, trì trệ còn nặng nề trong bộ máy lãnh đạo các cấp, từ sự thiếu dân chủ và chưa dám mạnh dạn đấu tranh của chúng ta.
Đừng có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự giác trao cho nhân dân quyền dân chủ, tự giác cụ thể hóa để thực hiện sự nghiệp đổi mới. Vấn đề tùy thuộc rất nhiều vào sự đấu tranh của các tổ chức đại diện cho nhân dân là Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể…

BBC trích riêng để nhấn mạnh: “Đừng có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự giác trao cho nhân dân quyền dân chủ, tự giác cụ thể hóa để thực hiện sự nghiệp đổi mới”.

Chúng ta phải đau lòng mà nhận thấy rằng vừa qua sự đấu tranh của những công cụ ấy của nhân dân vẫn còn rất yếu. Không phải là chúng ta không có điều kiện để đấu tranh mà là các tổ chức nói trên vẫn còn chưa dám đấu tranh và đã tỏ ra yếu ớt.
Vì sao, theo quy định, Mặt trận Tổ quốc là tổ chức có quyền giới thiệu người ra ứng cử vào cơ quan Nhà nước lại không đứng ra thật sự lựa chọn người có tài, đức để giới thiệu mà thường ngoan ngoãn làm theo danh sách được đưa xuống từ cấp trên?
Chỉ thị 17 của Ban Bí thư đã quy định những nhiệm vụ và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc, vì sao Mặt trận không chủ động, vận dụng và đấu tranh thực hiện?
Vì sao Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là những tổ chức của nhân dân lại chỉ thụ động thi hành những gì đã được quyết định mà không chủ động nắm bắt, phản ánh, đấu tranh để những vấn đề bức xúc của quần chúng được giải quyết?
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng cũng đấu tranh yếu ớt. Những gì đạt được ở những phiên họp QH gần đây vẫn chưa phải là những điều cơ bản. Bãi miễn các chức vụ nhà nước là quyền của QH và Hội đồng nhân dân (HĐND), nhưng quyền ấy chưa bao giờ được sử dụng.
Quốc hội đã thế, HĐND còn yếu hơn. Chúng ta tốn tiền của, thì giờ để tổ chức bầu cử ra các cơ quan dân cử, để các cơ quan đó hội họp mỗi năm mấy lần, nhưng đã giải quyết được những gì phục vụ nhân dân?
Người ta chỉ thấy cơ quan thừa hành là ủy ban nhân dân là tổ chức chịu sự kiểm soát của HĐND, nhưng chủ tịch của UBND lại cũng là chủ tịch của HĐND. HĐND quyền lực như thế mà không có bộ máy đầy đủ, không có ngân sách, thậm chí còn không có cả trụ sở. Những điều khôi hài như thế vẫn chưa được đấu tranh để thay đổi.
Nhân dân ai cũng thích cái bánh thật chứ chẳng ai thích cái bánh vẽ. Chỉ có những kẻ bất tài, có quyền lợi cá nhân gắn với những cơ chế tổ chức hình thức mới thích những thứ hoạt động hình thức đó.

BBC trích riêng để nhấn mạnh: “Điều đau lòng là trong nhiều năm liền trôi qua, chúng ta vẫn còn duy trì những thứ hình thức, hữu danh vô thực đó. Khuyết điểm lớn của chúng ta là chưa có dân chủ thật sự”.

Điều đau lòng là trong nhiều năm liền trôi qua, chúng ta vẫn còn duy trì những thứ hình thức, hữu danh vô thực đó. Khuyết điểm lớn của chúng ta là chưa có dân chủ thật sự. Nhiều nguyện vọng chính đáng của người dân chưa được đấu tranh thực hiện, người dân chưa thật sự chọn lựa được những người lãnh đạo theo sự tín nhiệm của họ.
Tất cả vấn đề là phải đấu tranh để thực hiện. Cuộc đấu tranh này không giống cuộc đấu tranh đối kháng với địch trước đây nhưng cũng phải diễn ra quyết liệt.
Nghị quyết Đại hội VI và những chủ trương đúng đắn của Đảng phải được đấu tranh để thể chế hóa thành luật. Khi đã có luật thì phải đấu tranh để luật được thi hành. Không có luật pháp thì không thể bảo đảm được quyền dân chủ.
Chức năng, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan dân cử, các tổ chức quần chúng phải được phân định rõ ràng, không thể để tình trạng giẫm chân, bao biện làm thay tiếp tục xảy ra mãi được.
Tòa án phải có tính độc lập, không thể xử án theo những lệnh lạc đã được ra sẵn. Tôi cho rằng Mặt trận Tổ quốc cũng cần có một qui chế rõ ràng về mối quan hệ của mình với các cơ quan nhà nước.
Tôi nghĩ rằng dù cho đại hội này của Mặt trận Tổ quốc TP có thành công đến đâu, vấn đề vẫn tùy thuộc ở sự dũng cảm đấu tranh trong những ngày sắp tới. Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh".

LS. NGUYỄN HỮU THỌ