TRAN XUAN AN - PHAN HOI 3 / feedback 3 ( trang phu 3 )

28.3.06

BAI VIET CUA NGUOI CUNG THOI

BÀI VIẾT CỦA NGƯỜI CÙNG THỜI

Dưới đây là bài viết thể hiện ý tưởng:
Dân chủ là yêu cầu bức xúc của xã hội và cũng là tất yếu lịch sử Việt Nam chúng ta.
Do đó, mọi kêu đòi, đấu tranh cho nền dân chủ chính đáng, đích thực đều là chính nghĩa. Là người cầm bút (quan sát viên, chứng nhân của thời mình sống), tôi nhận thấy đây là một chứng từ quan trọng.
Xin mạn phép BBCVietnamese.com để được lưu lại bài viết của LS. Nguyễn Hữu Thọ trên blog này và ở trang web:
http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/trangcnncthoi
/trangcnncthoi_tluan.htm

TXA.

BBCVietnamese.com, 27 – 03 – 2006 (ngày tại Anh quốc):

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story
/2006/03/060327_nguyenhuutho_speech.shtml


27 Tháng 3 2006 - Cập nhật 12h14 GMT

"DÂN CHỦ KHÔNG THỂ CÓ BẰNG SỰ BAN ƠN"


BBC ghi chú dưới ảnh Ls. NHT.:
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nói
phải phân tích nguyên nhân
từ căn bệnh quan liêu, bảo thủ, trì trệ


BBC. giới thiệu: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910 – 1996) là một trong những trí thức miền Nam đi theo Cách mạng và trở thành Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau năm 1975, ông được cử làm Phó Chủ tịch Nước, đến năm 1981 là Chủ tịch Quốc hội, rồi là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tại đại hội năm 1988.
Trong những năm cuối đời, ông Nguyễn Hữu Thọ có nhiều phát biểu phê phán sự dân chủ hình thức trong bộ máy lãnh đạo các cấp ở Việt Nam.
Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM năm 1988, ông Nguyễn Hữu Thọ có bài phát biểu gây tiếng vang, với nội dung “Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn”.
Gần 20 năm trôi qua, đọc lại bài này, những ai quan tâm đến chính trị, xã hội Việt Nam vẫn thấy những vấn đề đặt ra trong bài phát biểu còn tiếp tục được tranh luận trong thời điểm hiện nay.
Dưới đây là trích đoạn bài phát biểu của luật sư Nguyễn Hữu Thọ đọc tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM năm 1988. Bài phát biểu do Võ Linh Hà ghi, và đã in trong cuốn “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng” - NXB Chính Trị Quốc Gia - 1996.


"…Trong nhiều bài phát biểu ở Đại hội này, dưới những góc cạnh khác nhau, đều toát lên tinh thần lo toan, trăn trở trước tình hình đất nước còn quá nhiều khó khăn. Nhưng vì sao đất nước ta lại rơi vào một tình trạng khó khăn như thế? Có phải do người Việt Nam chúng ta thiếu khả năng, lười biếng, thiếu năng động, sáng tạo? Chắc là không ai nghĩ như thế, vì quá khứ của dân tộc ta, vì những thành tựu mà người Việt Nam khi ra nước ngoài đã đạt được, chứng minh là không phải như thế.
Tôi nghĩ rằng phải phân tích nguyên nhân từ căn bệnh quan liêu, bảo thủ, trì trệ còn nặng nề trong bộ máy lãnh đạo các cấp, từ sự thiếu dân chủ và chưa dám mạnh dạn đấu tranh của chúng ta.
Đừng có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự giác trao cho nhân dân quyền dân chủ, tự giác cụ thể hóa để thực hiện sự nghiệp đổi mới. Vấn đề tùy thuộc rất nhiều vào sự đấu tranh của các tổ chức đại diện cho nhân dân là Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể…

BBC trích riêng để nhấn mạnh: “Đừng có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự giác trao cho nhân dân quyền dân chủ, tự giác cụ thể hóa để thực hiện sự nghiệp đổi mới”.

Chúng ta phải đau lòng mà nhận thấy rằng vừa qua sự đấu tranh của những công cụ ấy của nhân dân vẫn còn rất yếu. Không phải là chúng ta không có điều kiện để đấu tranh mà là các tổ chức nói trên vẫn còn chưa dám đấu tranh và đã tỏ ra yếu ớt.
Vì sao, theo quy định, Mặt trận Tổ quốc là tổ chức có quyền giới thiệu người ra ứng cử vào cơ quan Nhà nước lại không đứng ra thật sự lựa chọn người có tài, đức để giới thiệu mà thường ngoan ngoãn làm theo danh sách được đưa xuống từ cấp trên?
Chỉ thị 17 của Ban Bí thư đã quy định những nhiệm vụ và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc, vì sao Mặt trận không chủ động, vận dụng và đấu tranh thực hiện?
Vì sao Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là những tổ chức của nhân dân lại chỉ thụ động thi hành những gì đã được quyết định mà không chủ động nắm bắt, phản ánh, đấu tranh để những vấn đề bức xúc của quần chúng được giải quyết?
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng cũng đấu tranh yếu ớt. Những gì đạt được ở những phiên họp QH gần đây vẫn chưa phải là những điều cơ bản. Bãi miễn các chức vụ nhà nước là quyền của QH và Hội đồng nhân dân (HĐND), nhưng quyền ấy chưa bao giờ được sử dụng.
Quốc hội đã thế, HĐND còn yếu hơn. Chúng ta tốn tiền của, thì giờ để tổ chức bầu cử ra các cơ quan dân cử, để các cơ quan đó hội họp mỗi năm mấy lần, nhưng đã giải quyết được những gì phục vụ nhân dân?
Người ta chỉ thấy cơ quan thừa hành là ủy ban nhân dân là tổ chức chịu sự kiểm soát của HĐND, nhưng chủ tịch của UBND lại cũng là chủ tịch của HĐND. HĐND quyền lực như thế mà không có bộ máy đầy đủ, không có ngân sách, thậm chí còn không có cả trụ sở. Những điều khôi hài như thế vẫn chưa được đấu tranh để thay đổi.
Nhân dân ai cũng thích cái bánh thật chứ chẳng ai thích cái bánh vẽ. Chỉ có những kẻ bất tài, có quyền lợi cá nhân gắn với những cơ chế tổ chức hình thức mới thích những thứ hoạt động hình thức đó.

BBC trích riêng để nhấn mạnh: “Điều đau lòng là trong nhiều năm liền trôi qua, chúng ta vẫn còn duy trì những thứ hình thức, hữu danh vô thực đó. Khuyết điểm lớn của chúng ta là chưa có dân chủ thật sự”.

Điều đau lòng là trong nhiều năm liền trôi qua, chúng ta vẫn còn duy trì những thứ hình thức, hữu danh vô thực đó. Khuyết điểm lớn của chúng ta là chưa có dân chủ thật sự. Nhiều nguyện vọng chính đáng của người dân chưa được đấu tranh thực hiện, người dân chưa thật sự chọn lựa được những người lãnh đạo theo sự tín nhiệm của họ.
Tất cả vấn đề là phải đấu tranh để thực hiện. Cuộc đấu tranh này không giống cuộc đấu tranh đối kháng với địch trước đây nhưng cũng phải diễn ra quyết liệt.
Nghị quyết Đại hội VI và những chủ trương đúng đắn của Đảng phải được đấu tranh để thể chế hóa thành luật. Khi đã có luật thì phải đấu tranh để luật được thi hành. Không có luật pháp thì không thể bảo đảm được quyền dân chủ.
Chức năng, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan dân cử, các tổ chức quần chúng phải được phân định rõ ràng, không thể để tình trạng giẫm chân, bao biện làm thay tiếp tục xảy ra mãi được.
Tòa án phải có tính độc lập, không thể xử án theo những lệnh lạc đã được ra sẵn. Tôi cho rằng Mặt trận Tổ quốc cũng cần có một qui chế rõ ràng về mối quan hệ của mình với các cơ quan nhà nước.
Tôi nghĩ rằng dù cho đại hội này của Mặt trận Tổ quốc TP có thành công đến đâu, vấn đề vẫn tùy thuộc ở sự dũng cảm đấu tranh trong những ngày sắp tới. Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh".

LS. NGUYỄN HỮU THỌ

7.3.06

GÓP VÀO THỜI CUỘC ĐÔI ĐIỀU

ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG
LẠI TRỞ THÀNH MỘT VẤN ĐỀ THỜI SỰ NỔI BẬT
CẦN SUY NGHĨ

Trần Xuân An



Khi viết bài này, như thể lần đầu tiên, tôi thực sự cảm nhận được tinh thần kẻ sĩ của Chu Văn An đời Trần, Nguyễn Bỉnh Khiêm đời Mạc và Thân Văn Nhiếp, Vũ Trọng Bình thời Nguyễn. Trong thời đại hiện nay, thật quá khó để có thể học tập theo tinh thần người xưa, dâng sớ xin chém đầu lũ nịnh thần và khuyến cáo vua về “Vạn Niên cát địa”… Có những cá nhân nào, thế lực nào “trông mong lời nói thẳng” ?. TXA.


Một vấn đề rất cũ nhưng trong công luận vẫn cứ bùng lên một cách ngấm ngầm như một yêu cầu bức xúc. Sở dĩ nói như vậy, bởi ở trong nước, các phương tiện truyền thông hầu như rất tránh né. Nếu có chăng, cũng chỉ lướt qua để phê phán. Ở ngoài nước, vấn đề được công khai hơn. Có thể đọc thấy tình hình đó trên các tạp chí điện tử ngoại quốc và của Việt kiều.
Không thể không suy nghĩ!
Và khi suy nghĩ về vấn đề đa nguyên, đa đảng này, tôi vẫn chỉ khẳng định lại quy luật âm dương tương khắc tương sinh thuộc triết học Phương Đông, trong đó có Việt Nam chúng ta. Có điều, nếu chỉ nói thế, sợ rằng những ai vốn thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lê – Xta – Mao (marxisme – léninisme – stalinisme – maoisme) khó tiếp nhận, nên phải nhắc đến cặp phạm trù cơ bản “thống nhất – đối lập” , và các mệnh đề cốt tủy, đại để mọi sự vật, hiện tượng mãi mãi ở trong quy luật vận động; vận động là vĩnh viễn, đứng yên là tạm thời; mâu thuẫn là động lực của quá trình vận động ấy của xã hội và tự nhiên… Một điều không có gì mới lạ khác: Trong khối xã hội chủ nghĩa trước đây, kể cả nước ta, các nước do các đảng cộng sản lãnh đạo đều thừa nhận nguyên tắc, cơ chế đa nguyên, đa đảng một cách chính thức trên hiến pháp và trong thực tế sinh hoạt chính trị, mặc dù chỉ có tính chất hình thức (*). Tại sao phải thừa nhận nguyên tắc, cơ chế ấy nhưng chỉ có tính chất đối phó như vậy? Đơn giản đến mức không cần thiết phải lí giải. Bởi lẽ, đa nguyên, đa đảng là một giá trị dân chủ mà loài người mất mấy nghìn năm mới đạt được, chẳng lẽ phủ bác giá trị ấy trước công luận thế giới!
Tôi cũng để ý, ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu, có nhiều chính đảng có tính giai cấp rõ rệt (**). Nội hàm của khái niệm giai cấp, trước hết và trên hết là kinh tế và chính trị. Những chính đảng ấy hình thành, đấu tranh, sinh hoạt dân chủ với tôn chỉ về quyền lợi chính trị, kinh tế một cách minh bạch. Tất nhiên cũng có những chính đảng có tôn chỉ chính yếu về môi sinh (môi trường sống) hoặc về dân tộc hay về các lĩnh vực văn hóa, xã hội khác, nhưng hẳn chiếm một tỉ lệ ít hơn nhiều.
Ở nước ta, khái niệm giai cấp không rõ rệt. Từ khi có chính đảng xuất hiện, vào khoảng những thập niên đầu thế kỉ XX, vấn đề đặt ra vẫn chủ yếu là vấn đề độc lập dân tộc, đánh đuổi thực dân và đánh đổ chế độ quân chủ bù nhìn. Mục tiêu đấu tranh giai cấp chỉ có ở loại chính đảng theo chủ nghĩa Mác (Mác – Lê hoặc Mác – Trốt [Troskisme]). Tuy nhiên, chính Hồ Chí Minh, trong một bài viết, cũng thừa nhận sự thể về giai cấp ở nước ta thuở bấy giờ là như vậy. Nếu nghiên cứu lí lịch, hẳn sẽ thấy, trong hàng ngũ những vị sáng lập và lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam (qua nhiều tên gọi khác nhau trong nhiều thời kì) phần lớn đều thuộc thành phần giai cấp khá giả (quan lại, địa chủ, phú nông, công chức dưới chế độ thực dân, nửa phong kiến…).
Đó là chuyện ngày xưa.
Hiện nay, trong và ngoài nước, có lẽ ai cũng thấy: Nếu cứ cho là có những lực lượng chính trị khác nhau đang tồn tại và bằng nhiều hình thức, với nhiều địa vị, nơi cư trú, đang cùng tham gia sinh hoạt chính trị (chủ yếu là qua báo chí điện tử, in giấy), thì vấn đề tôn giáo, ý thức hệ lại nổi trội lên, chứ không phải là vấn đề giai cấp!
Có một điều nữa, đa nguyên ở nước ta, xem ra lại thành vấn đề hơn ở Âu Mỹ. Đa nguyên, đó là gì? Là nhiều nguồn gốc. Nguồn gốc, gồm những nguồn gốc nào? Nguồn gốc nhân tộc, nguồn gốc thành phần kinh tế, địa vị xã hội, và nguồn gốc tôn giáo, nguồn gốc địa phương (miền, tỉnh), nguồn gốc học tập (được đào tạo ở đâu, nước nào), vân vân! Nhưng nổi trội lên vẫn là nguồn gốc thân cộng hay cộng sản thực thụ, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống các lực lượng phi cộng sản, bên cạnh nguồn gốc thân Pháp, thân Nhật, thân Mỹ, chống cộng hoặc nguồn gốc “thù thực dân Pháp, hận phát xít Nhật, ghét đế quốc Mỹ” nhưng phải dựa vào chúng để chống cộng sản vô thần, theo “quan thầy Nga, Trung”.
Như vậy, xét về tính giai cấp, giai cấp không phải là vấn đề chủ yếu; xét về nguồn gốc, chủ yếu cũng không phải là nguồn gốc nhân tộc.
Chủ yếu của vấn đề đa nguyên, đa đảng ở nước ta hiện nay là gì? Tựu trung, chỉ ở hai phương diện chính (các diện khác vẫn là hệ thuộc):
+++ Về chính trị:
1. Cộng sản – chuyên chính vô sản (thân Nga hoặc thân Trung Quốc; đổi mới hay bảo thủ).
2. Cộng hòa – dân chủ tư sản (dân tộc chủ nghĩa thuần túy, Phật giáo hoặc thân Phật giáo, Thiên Chúa giáo hoặc thân Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và các chính đảng Quốc Dân đảng, Đại Việt ở hải ngoại…).
+++ Về địa phương:
1. Quê quán thuộc tỉnh này hay tỉnh khác.
2. Quê quán Miền Nam hay Miền Bắc (giới tuyến là sông Bến Hải).
Về chính trị, rõ ràng là hết sức quan trọng, nhưng “chủ nghĩa Miền” ở nước ta, mặc dù cũng hệ thuộc vào phương diện chính trị, nhưng tầm quan trọng cũng không kém.
Đúng ra, theo lẽ sinh tồn và quyền sống, bất kì một phân số công dân nào trong một đất nước đều có quyền thành lập một chính đảng của nó để tồn tại và tự bảo vệ. Chẳng lẽ chỉ một giai cấp hoặc một tôn giáo được quyền đó, còn những phân số công dân khác đều phải cúi đầu chịu đạp xuống bùn đen, hay may lắm là được ban phát ơn thừa! Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh vốn vận dụng và mở rộng ý tưởng cơ bản của Tuyên ngôn độc lập Mỹ và một vài hiến chương nhân quyền, dân chủ khác. Các phân số công dân Việt Nam hay các bộ phận xã hội Việt Nam hiện tại cũng có thể vận dụng Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh theo ý hướng về quyền sống và lẽ công bằng như thế.
Có thể nào biện minh cho nền chuyên chế độc đảng chăng?
Tuy vậy, trong suốt cả 131 năm chiến tranh, nước ta bị ngoại xâm và phải chống ngoại xâm (1858 – 1885 – 1930 – 1945 – 1954 – 1975 – 1989), không còn nghi ngờ gì nữa, Thiên Chúa giáo là một lực lượng phản quốc từ đầu đến cuối. Do đó, lực lượng này không thể tồn tại với tư cách chính trị trong hiện tại và cả trong tương lai.
Lực lượng ban đầu mang quá rõ dấu ấn ngoại lai (Xô-viết Nghệ – Tĩnh, 1930 – 1931) là Đảng Cộng sản Việt Nam; nhưng trong suốt cả quãng chiều dài lịch sử kể từ năm 1930 ấy, Đảng của Hồ Chí Minh – Lê Duẩn đã liên tục chiến thắng thực dân Pháp, ngụy triều Bảo Đại, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ, chính quyền Thiên Chúa giáo và cả bành trướng Trung Quốc, bọn diệt chủng Kh’Mer Đỏ. Đó là một lực lượng chính trị hiện đang lãnh đạo, nắm vững chính quyền trên đất nước Việt Nam (****). Tuy vậy, cũng cần nhớ, trong đó, lứa tuổi 65 – 70 trở xuống, nếu trưởng thành ở Miền Bắc (1954 – 1975), thì chẳng có gì đáng để kể công lao (chống Mỹ theo luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc mà thôi!).
Phật giáo Việt Nam tại Miền Nam chung quy cũng chỉ là một tôn giáo. Phật Thích Ca từ chối ngai vàng chính trị để dấn thân vào tôn giáo, với ý hướng dùng tôn giáo như một phương tiện để cứu độ chúng sinh muôn loài. Do đó, Phật giáo đúng nghĩa là phi chính trị. Nếu so sánh với các tôn giáo đậm màu sắc chính trị khác, Phật giáo nói chung là một tôn giáo thuần túy đích thực. Nhưng ở nước ta, Phật giáo từ nghìn xưa đã là một thế lực chính trị, đặc biệt là vào thời Lý, Trần. Trong quá trình chống Pháp từ 1858, Phật giáo cùng các bộ phận thần dân Việt Nam khác được sử kí chép dưới danh từ gọi chung là dân lương (dân lương chống tả đạo và thực dân). Trong 20 năm (1854 – 1975), Phật giáo có đóng góp công sức đánh đổ Ngô Đình Diệm và chống tả ngụy, quân phiệt Thiệu – Kỳ. Do đó, trong hiện tại, Phật giáo Việt Nam vẫn có đầy đủ tư cách chính trị để thành lập một chính đảng (***).
Quốc Dân đảng Việt Nam, một số đảng viên nào đó chưa từng “thỏa hiệp” với ngoại xâm, cũng vẫn ít nhiều còn có tư cách chính trị.
Lực lượng thứ ba, chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ – Thiên Chúa giáo và chống cộng sản vô thần thân Liên Xô, Trung cộng, tất nhiên vẫn thừa tư cách chính trị để có thể phối hợp thành lập chính đảng.
Nói tóm lại, ai và lực lượng nào có đủ tư cách chính trị và không thể có tư cách chính trị, phải căn cứ vào lịch sử 1858 – 1989 cho đến nay, kể cả lí lịch bản thân, riêng bản thân từng người.
Tuy nhiên, nếu nói cho đúng lẽ công bằng, phải tự hỏi và thử nghiên cứu: Những cá nhân, lực lượng nào thuần túy Việt Nam nhất?
Không phải Phật giáo Việt Nam.
Không phải Quốc Dân đảng Việt Nam hay Đại Việt.
Không phải Đảng Cộng sản Việt Nam.
Không phải Cao Đài, Hòa Hảo…
(Thiên Chúa giáo, Tin Lành không thể xét đến tư cách chính trị, còn xét chi đến khía cạnh này!).
Tất cả các lực lượng kể trên đều cùng có nguồn gốc ngoại lai, ngoại bang, đều là “văn hóa, chính trị ngoại nhập”!
Chỉ có những người Việt Nam có huyết thống thuần Việt, duy nhất thờ kính cúng giỗ tổ tiên, ông bà và lịch sử dân tộc Việt Nam, không theo tôn giáo ngoại lai, không tham gia đảng phái ngoại nhập, không làm tay sai ngoại bang nào, đồng thời chống lại bất kì thế lực ngoại lai, ngoại bang nào xâm lược nước ta, mới thật sự xứng đáng là lực lượng Việt Nam thuần túy tiêu biểu cho Tổ quốc Việt Nam. Nhưng những người thuộc diện này (đại đa số người Việt đều như thế) lại không tự thành lập được một tổ chức và không có hậu thuẫn nước ngoài nào cả. Lực lượng hay những cá nhân đó (đại đa số dân Việt) luôn bị ngoại lai và ngoại bang chèn ép, bức hiếp (***).
Một phương diện khác, cần nghĩ đến, đó là sự phân biệt Miền Nam – Miền Bắc (bên này, bên kia Vĩ tuyến 17), cộng với vấn đề số lượng người Miền Bắc di cư vào Nam, vốn dựa vào Pháp, Mỹ, Thiên chúa giáo… Dẫu muốn hay không, mâu thuẫn này là có thật, ngay giữa những người cộng sản thực thụ, giữa người không cộng sản bên này sông Bến Hải. Có lẽ tốt nhất là đất nước nên thống nhất một chính quyền, thống nhất về mọi mặt khác, từ kinh tế đến văn hóa, nhưng phải quy định vấn đề cư trú trên lãnh thổ từng Miền. Có lẽ tốt nhất là người tập kết 1954 về Nam, người di cư 1954 trở lại Bắc? Nhưng hiện trạng đã thế, nên thật nan giải?
Nam – Bắc Cao Ly (Hàn Quốc – Triều Tiên) nên chăng rút kinh nghiệm lịch sử này trong tương lai thống nhất hai Miền?
Vấn đề đồng thời là yêu cầu đa nguyên, đa đảng và bức xúc do “chủ nghĩa Miền” ở Việt Nam phải được nghiên cứu thấu đáo những khía cạnh, phương diện như thế. Nếu không nghiên cứu thấu đáo, thì chỉ chuốc lấy thất bại và lôi kéo bao người khác nhẹ dạ cả tin vào chung một vực thẳm thất bại.
Nhưng dẫu sao, đây cũng chỉ là một bài phiếm luận.
Với ý định viết một vài nét phiếm luận, nhắc lại những ý cũ, mà như thế này cũng đã quá dài!
Phiếm luận, có thể chẳng đi đến đâu. Không khéo tai họa lại ập đến vì quyền lợi ai đó, lực lượng nào đó bị đụng chạm!
Tôi chỉ là kẻ bàn chuyện một cách đùa chơi, trên cơ sở sử học và chính trị học nghiêm túc. Sử học và chính trị học đều là khoa học. Có lẽ nào khoa học lại tôn vinh những giá trị phù phiếm (phi dân chủ trong thời đại ngày nay)!
Hi vọng với cơ chế lưỡng đảng đối lập – thống nhất được thực hiện trong đời sống chính trị, nước ta sẽ thật sự có một nền dân chủ, và từ đó, tầm văn hiến dân tộc được nâng cao.
Những gì không thực hiện được trong giai đoạn hiện tại, xin cứ để cho tương lai và vĩnh cửu. Ai nỡ bóp nghẹt tiếng nói cho tương lai và vĩnh cửu, phải không?

Việt Nam, TP.HCM.,
lúc 14 giờ 57’, thứ bảy (chủ nhật cũ), ngày 06-02 HB6 ( 2006 )
[ mùng 6-02 Bính tuất HB6 ].


TRẦN XUÂN AN

________________________

(*) Đảng Dân chủ Việt Nam (1944 – 1988), chính đảng của giới tư sản dân tộc và thanh niên sinh viên; Đảng Xã hội Việt Nam (1946 – 1988), chính đảng của một phân số trí thức (Từ điển Bách khoa VN., TTBS.TĐBKVN., 1995, tr. 729 – 730).
(**) Cực tả, thiên tả, cực hữu, trung hữu…
(***) Xin nói rõ: Phật giáo là một tôn giáo thuần túy tôn giáo, phi chính trị đích thực, nhưng vẫn có cơ sở lịch sử suốt hàng ngàn năm để tạo điều kiện thành lập một chính đảng. Chính đảng dân tộc chủ nghĩa này được Phật giáo hậu thuẫn, còn Phật giáo vẫn thuần túy là tôn giáo phi chính trị như tôn chỉ của Đức Phật Thích Ca mà thôi. Là chính đảng dân tộc chủ nghĩa, nên không thể lấy biểu trưng là chữ vạn hay bánh xe pháp luân…
(****) Từ 1998, trong tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” (Web Giao Điểm, 6-2005), tôi đã đề xuất cụm từ “chủ nghĩa Hồ Chí Minh” (Hồ Chí Minh có kế thừa Marx, Lénine, nhưng đã sáng tạo mới, cũng như Marx, Lénine đã kế thừa các tiền bối khác). Đề xuất ấy như một cách nhấn mạnh với phương châm dân tộc hóa.
(chú thích bổ sung, ngày 06 & 07-03 HB6)

Bài đã được gửi đến Tcđt. Giao Điểm và website BBCVietNamese.com

ĐT.: 08.8453955
& 0908 803 908
Email: tranxuanan_vn@yahoo.com
Web: http://www.blogger.com/profile/14904482
http://c.1asphost.com/TrXuanAn/web_index.htm

________________________


Ghi chú ngày 13-03 HB6 ( 2006 )
[ 14-02 Bính tuất HB6 ]:

Link bài viết trên website BBCVietnamese.com (8-03 HB6):
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story
/2006/03/060307_tranxuanan.shtml

( có thêm bài phản hồi của tác giả, 10-3 HB6 [ 2006 ] ).

Link Diễn đàn BBCVietnamese.com:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/

Link Tcđt. Giao Điểm (08-3 HB6):
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_I06/306_txa-dadang.htm